Khi tuyển dụng rất nhiều công ty, doanh nghiệp thường yêu cầu các ứng viên cần phải có sơ yếu lý lịch trong bộ hồ sơ xin việc, thông qua đó nhà tuyển dụng sẽ biết được những thông tin cơ bản nhất về một ứng viên từ đó sẽ làm căn cứ để xem xét và ra quyết định là có tuyển dụng ứng viên đó hay không. Khi viết sơ yếu lý lịch thì vấn đề được nhiều người quan tâm đó là chứng thực sơ yếu lý lịch ở đâu?
Sơ yếu lý lịch là gì?
Sơ yếu lý lịch hay sơ yếu lý lịch tự thuật là tờ khai tổng quan những thông tin liên quan đến ứng viên xin việc, bao gồm thông tin cá nhân và thông tin nhân thân (bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị em…) của ứng viên đó; thường được dùng để hoàn thiện bộ hồ sơ xin việc hay làm các thủ tục hành chính liên quan.
Trên thực tế, không ít ứng viên xin việc nhầm lẫn sơ yếu lý lịch và CV là một; nhưng sự thật thì 2 loại giấy tờ này là hoàn toàn khác nhau. Nếu CV chỉ cung cấp thông tin của cá nhân ứng viên thì Sơ yếu lý lịch lại mang tính chất tổng quan hơn, bao gồm thông tin của ứng viên và những thành viên trong gia đình.
Sơ yếu lý lịch bao gồm hai loại, loại viết tay hoặc in mẫu sẵn. Loại viết tay được trình bày trên khổ giấy A4, đòi hỏi sự khéo léo từ chữ viết cho tới cách trình bày bổ cục trang giấy. Loại thứ hai phổ biến hơn, là bản sơ yếu lý lịch được in sẵn các đầu mục cần kê khai và được bán kèm với các loại giấy tờ khác như giấy khám sức khỏe, đơn xin việc và giấy khai sinh trong một bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Ứng viên chỉ cần kê khai thông tin theo các mục được gạch sẵn trên đó.
Chứng thực sơ yếu lý lịch là gì?
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về khái niệm chứng thực chữ ký như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
3. “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.”
Theo đó, chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Như vậy, bản chất của chứng thực sơ yếu lý lịch là chứng thực chữ ký.
Theo quy định hiện hành thì chứng thực sơ yếu lý lịch ở đâu?
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP thì “Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân”, cụ thể:
- Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu.
- Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
- Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình.
Điều này có nghĩa người thực hiện chứng thực chỉ chứng nhận chữ ký trên Sơ yếu lý lịch là của người yêu cầu chứng thực, còn không chịu trách nhiệm về nội dung trên Sơ yếu lý lịch.
Vì vậy, người có yêu cầu chứng thực có thể lựa chọn những nơi sau để yêu cầu chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch theo quy định về thẩm quyền chứng thực chữ ký tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP miễn thuận tiện :
1. Ra bất kỳ UBND phường, xã hoặc Phòng tư pháp cấp huyện nào (không bắt buộc phải là nơi có hộ khẩu thường trú).
2. Ra bất kỳ Phòng công chứng/Văn phòng công chứng nào.
3. Ra Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (đối với người đang ở nước ngoài).
Cách viết sơ yếu lý lịch như thế nào?
Thông thường, bản sơ yếu lý lịch đã được in sẵn trong bộ hồ sơ xin việc. Dưới đây là một số lưu ý khi viết loại giấy tờ này.
Cách điền thông tin cá nhân
- Họ và tên: Cần viết đúng họ tên khai sinh, viết in hoa rõ ràng.
- Giới tính: Điền đúng như trong giấy khai sinh
- Ngày sinh: Viết đúng như trên chứng minh nhân dân/CCCD
- Dân tộc: Điền chính xác dân tộc của mình, nếu là con lai thì ghi quốc tịch bố mẹ.
- Tôn giáo: Nếu không theo tôn giáo nào thì điền “Không”
- Nguyên quán: Thông thường là nơi sống của ông bà nội, cha của người khai
- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Viết rõ địa chỉ như trên sổ hộ khẩu.
- Nơi ở hiện tại: Có thể trùng với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Trường hợp đang ở trọ thì điền nơi ở trọ vào.
- Số điện thoại: Điền số điện thoại tiện liên lạc nhất.
- Khi cần báo tin cho ai, ở đâu: Có thể điền thông tin của bố mẹ, anh chị em ruột.
- Bí danh: Nếu không có thì bỏ qua.
Cách điền thông tin nhân thân trong sơ yếu lý lịch
- Thành phần gia đình sau cải cách ruộng đất: Nông dân, công chức hoặc viên chức.
- Thành phần bản thân gia đình hiện nay: Ghi rõ họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, nơi ở của các thành viên trong gia đình.
Cách điền thông tin học vấn, trình độ chuyên môn
- Trình độ văn hóa: Nếu tốt nghiệp THPT, bạn ghi 12/12 chính quy (bổ túc văn hóa); nếu tốt nghiệp đại học: Ghi “Cử nhân”.
- Trình độ ngoại ngữ: Ghi chứng chỉ mà bạn hiện có.
- Ngày kết nạp Đảng: Nếu đã vào Đảng thì điền ngày như trong thẻ Đảng viên, nếu không thì bỏ qua.
- Nghề nghiệp và trình độ chuyên môn: Điền nghề nghiệp hoặc chuyên ngành bạn đã được đào tạo.
- Quá trình hoạt động của bản thân: Mục này cần chọn lọc kỹ thông tin, nêu tóm tắt những kinh nghiệm phù hợp với vị trí ứng tuyển.
- Khen thưởng/Kỷ luật: Điền thông tin nếu có.
Câu hỏi thường gặp
Cần chuẩn bị giấy tờ gì khi đi chứng thực sơ yếu lý lịch?
Tại Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định, người yêu cầu chứng thực chữ ký cần chuẩn bị:
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
- Sơ yếu lý lịch mình sẽ ký và yêu cầu chứng thực.
Sơ yếu lý lịch bao gồm những nội dung gì?
Một mẫu sơ yếu lý lịch tự thuật chuẩn sẽ bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:
- Ảnh 4×6
- Thông tin cá nhân: họ tên, giới tính, năm sinh, nguyên quán, hộ khẩu thường trú, số CMND, dân tộc, trình độ văn hóa, ngày vào Đoàn – Đảng…
- Quan hệ gia đình: họ tên, năm sinh, chỗ ở, nghề nghiệp của bố, mẹ, vợ/ chồng, anh-chị-em ruột…
- Quá trình học tập – làm việc của người làm đơn
- Khen thưởng – kỷ luật
- Lời cam đoan
- Chữ ký và xác nhận đóng dấu của địa phương
Chữ ký được chứng thực có giá trị pháp lý như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý chữ ký được chứng thực như sau:
“3. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.”
Như vậy, chữ ký được chứng thực theo đúng quy định pháp luật thì có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
Mong rằng qua những nội dung bài viết trên đã giải đáp được những thắc mắc cho bạn về chứng thực sơ yếu lý lịch ở đâu? có được nhờ người khác thực hiện công chứng sơ yếu lý lịch và có mất phi khi xin xác nhận sơ yếu lý lịch.