Forex là kênh đầu tư tài chính trực tuyến hot nhất tại Việt Nam hiện nay, ngày càng có nhiều người chơi và nhiều nhà môi giới tham gia vào thị trường. Nếu có chứng khoán, nhà đầu tư không phải lo lắng về hình thức rủi ro pháp lý này, vì thị trường chứng khoán được nhà nước bảo hộ, pháp luật Việt Nam cho phép nhà đầu tư chứng khoán kinh doanh và đảm bảo quyền lợi, hoàn toàn trái ngược với Forex.
Đáng chú ý nhất là tin tức về thị trường chứng khoán, nhà đầu tư chứng khoán, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh… thường xuyên được đưa lên các bản tin chính thống, còn tin tức về Forex thì không. Hoặc giao dịch chứng khoán thông qua các sở giao dịch quốc doanh, giao dịch Forex được thực hiện thông qua các công ty môi giới nước ngoài không có bóng dáng của Bộ Tài chính hay chính phủ Việt Nam. Do đó, những nghi ngờ về tính hợp pháp của kênh đầu tư này là hoàn toàn có cơ sở.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trực tiếp trả lời câu hỏi “Chơi Forex ở Việt Nam có vi phạm pháp luật không?”. Để bạn có thể cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định có nên tham gia vào thị trường này hay không.
Hoạt động của các sàn forex tại Việt Nam
Kinh doanh ngoại hối hay Forex – Foreign Exchange, được hiểu là hoạt động trao đổi của một loại tiền tệ với loại tiền tệ khác. Thị trường ngoại hối là một thị trường toàn cầu của việc trao đổi tiền tệ và vàng, trong đó chủ thể chính tham gia là các ngân hàng và các công ty đa quốc gia.
Giá trị giao dịch trên thị trường ngoại hối hàng ngày ước đạt 4000 tỷ USD, đây là giá trị giao dịch khổng lồ nếu so sánh với quy mô GDP của Việt Nam năm 2018 vào khoảng 240.5 tỷ USD.
Sàn forex về bản chất là một trung gian (Forex broker) được thành lập tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhất định và phải tuân thủ theo luật pháp ở nơi sàn được thành lập và hoạt động. Nguồn thu của sàn Forex có thể là hoa hồng (commission) hoặc Spread (chênh lệnh giữa giá mua (ask) và giá bán (bid) thu từ người tham gia.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các sàn Forex đều quy định trách nhiệm của người tham gia sàn là phải đã tự bảo đảm về việc tuân thủ quy định pháp luật của nước mà người tham gia là công dân.
Quy định của pháp luật về Forex tại Việt Nam
Quay trở lại câu hỏi của bạn về quy định của pháp luật Việt Nam về việc đầu tư ngoại hối của các cá nhân là người Việt Nam, qua việc rà soát các quy định hiện hành trong lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy hoạt động này chịu sự điều chỉnh của các văn bản sau:
- Luật Các tổ chức tín dụng;
- Luật Xử lý vi phạm hành chính;
- Pháp lệnh ngoại hối;
- Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;
- Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định này thay thế Nghị định 96/2014 và có hiệu lực từ ngày 31/12/2019).
Theo Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối quy định nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối như sau:
(i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản;
(ii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.
Căn cứ quy định nêu trên thì để được kinh doanh ngoại hối cần phải đáp ứng đồng thời các điều kiện như sau:
(1) Chủ thể kinh doanh là tổ chức tín dụng và tổ chức khác và (2) được chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
Gần đây, căn cứ vào quy định tại điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96, UBND Tp. Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành vi “mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” đối với anh Nguyễn Cà Rê số tiền 90 triệu đồng vì anh Rê đã bán 100 USD cho một tiệm vàng không đúng quy định.
Cũng hành vi này, kể từ ngày 31/12/2019, căn cứ vào quy định tại b khoản 1 Điều 23 Nghị định 88, trường hợp tương tự sẽ bị phạt cảnh cáo do giá trị mua bán dưới 1000 USD.
Chơi forex có hợp pháp tại Việt Nam?
Như vậy, căn cứ vào các quy định đã nêu ở trên, việc cá nhân Việt Nam đầu tư ngoại hối tại các sàn Forex là trái với các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.
Tuy nhiên, về dài hạn, trên cơ sở một Chính phủ kiến tạo có mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân kinh doanh trên tinh thần cởi mở, tự do và tự chịu trách nhiệm, chúng tôi cho rằng cơ chế Sandbox có thể sẽ được thí điểm trong lĩnh vực ngoại hối và vàng tại Việt Nam qua đó người dân có thể có thêm kênh đầu tư và kinh doanh bên cạnh các kênh đầu tư khác.
(Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định.
Việc này được thực hiện dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia.)
Về vấn đề thu nhập mà bạn hỏi thì theo chúng tôi, có thể phát sinh các trường hợp như sau:
– Cơ quan quản lý nhà nước, căn cứ vào quy định tại Điều 26, Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính có thể tịch thu, sung vào ngân sách Nhà nước tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức;
– Trường hợp được thí điểm cơ chế Sandbox, căn cứ vào quy định tại điểm d khoản 3 Điều 10 Luật Thuế thu nhập cá nhân, bạn sẽ phải nộp 1% trên tỷ lệ doanh thu.
Xử phạt vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối
Những người tham gia giao dịch thường được gọi là traders. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, traders vừa vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối, vừa không được pháp luật bảo vệ nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra. Cụ thể, theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, người có hành vi vi phạm về hoạt động ngoại hối có thể bị xử lý hành chính như sau:
Điều 23: Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);b) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;b) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:a) Không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật;b) Niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỷ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng;c) Không niêm yết, thông báo công khai tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam, ngoại tệ với đồng tiền quy ước trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino; niêm yết, thông báo công khai tỷ giá quy đổi giữa mệnh giá đồng tiền quy ước với đồng Việt Nam, ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino không đúng quy định của pháp luật;…..
Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện hành, tổ chức và cá nhân chỉ được thực hiện các giao dịch hối đoái (giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao quyền chọn) theo quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng được phép. Các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động ngoại hối khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối. Do vậy, các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối là trái pháp luật.
Như vậy, khi tham gia chơi Forex trái phép tại Việt Nam, người chơi không những phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ mà còn có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm pháp luật.