Xe container là một trong những loại xe được sử dụng phổ biến để vận chuyển hàng hóa hiện nay. Với kích thước cao lớn và trọng tải nặng, người điều khiển loại phương tiện này đòi hỏi phải đáp ứng các điều kiện khắt khe theo quy định. Một trong những điều kiện không thể thiếu chính là bằng lái xe container. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc về vấn đề lái xe container cần bằng gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé.
Xe container là loại xe gì?
Xe đầu kéo hay còn hay được gọi với cái tên thông dụng hơn là xe container. Đây là một loại phương tiện cơ giới đường bộ được móc nối với các thùng hàng, rơ moóc hoặc các loại sơ mi rơ moóc chuyên dùng để vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn. Các đồ vật với kích thước cồng kềnh khi có nhu cầu vận chuyển quãng đường dài như Bắc Nam cũng thường lựa chọn loại xe này.
Đường bộ là phương thức vận tải xương sống trong hoạt động vận tải hàng hóa ở Việt Nam. Năm 2016, vận tải hàng hóa đường bộ chiếm 77% tổng lượng vận chuyển hàng hóa của cả nước.
Xe container có khả năng chở được hàng hóa với khối lượng lên đến hàng trăm tấn. Cách lưu thông trên đường của xe đó là nhờ sự hoạt động của máy kéo, kéo theo một hoặc nhiều thùng hàng, rơ moóc hoặc các loại sơ mi rơ moóc không bánh. Chính nhờ loại xe này mà các hàng hóa, sản phẩm sẽ được phân bố đi khắp mọi nơi trên Tổ quốc.
Lái xe container cần bằng gì?
Hiện nay có rất nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề Lái xe container cần bằng gì. Sau đây, xin giải đáp câu hỏi này như sau:
Vì xe container là một dòng xe chuyên dụng yêu cầu bằng lái xe container vì tải trọng của xe lớn, kích thước to và có thể gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, để lái xe container, người lái xe cần phải có bằng lái hạng FC.
Bằng lái xe FC là hạng lái xe được cấp cho người lái xe ô tô điều khiển các loại xe được quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2:
Các tài xế có bằng lái xe hạng C trước đó phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện cần và đủ theo quy định về số km an toàn, độ tuổi, thời gian lái xe, để được chuyển đổi nâng từ bằng C sang bằng FC nếu muốn lái xe container.
Do có bằng lái xe FC nên người điều khiển xe container cũng có thể điều khiển xe container, đó là lý do tại sao bằng lái xe FC thường được gọi là bằng lái xe container. Các cơ quan cho thuê xe container sẽ thuê người có bằng FC.
Điều kiện học và thi bằng FC lái xe container
Để học bằng lái xe FC, lái xe phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Đủ từ 24 tuổi trở lên, là công dân Việt Nam có đủ điều kiện sức khỏe để học và thi sát hạch bằng lái xe hạng FC theo quy định.
- Đã có bằng lái xe hạng C, D, E và có thâm niên hành nghề từ đủ 3 năm trở lên, có số km lái xe an toàn đạt từ 50.000 km trở lên do tổ chức cơ quan hay công ty xác nhận thông tin
- Có từ đủ 2 năm trở lên điều khiển liên tục ô tô đầu kéo
- Được miễn tham gia khóa học lý thuyết tại các cơ sở đào tạo lái xe; miễn sát hạch lý thuyết và sát hạch thực hành lái xe trên đường; nhưng phải dự sát hạch thực hành lái xe trong hình theo nội dụng quy trình sát hạch lấy bằng lái xe FC.
- Trường hợp các lái xe đã có GPLX hạng C, D, E; có đủ thâm niên và số km lái xe an toàn nhưng mới chỉ có từ 1 đến dưới 2 năm điều khiển liên tục ô tô đầu kéo thì được miễn học lý thuyết tại các cơ sở đào tạo lái xe nhưng phải tham dự sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe theo nội dung quy trình sát hạch lấy bằng lái xe FC
- Trường hợp các lái xe đã có GPLX hạng C, D, E; có đủ thâm niên và số km lái xe an toàn nhưng mới chỉ điều khiển liên tục ô tô đầu kéo dưới 1 năm thì được miễn học thực hành nhưng phải học lý thuyết tại cơ sở đào tạo lái xe, phải tham dự sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe theo nội dung quy trình sát hạch lấy bằng lái xe FC.
- Trường hợp các lái xe đã có GPLX hạng C, D, E nhưng chưa đủ thâm niên và số km lái xe an toàn như trên, hiện đang lái ô tô đầu kéo nếu muốn học bằng lái xe FC thì phải tham gia học lý thuyết, học thực hành tại cơ sở đào tạo lái xe, phải tham dự sát hạch lý thuyết và thực hành theo nội dung quy trình sát hạch lấy bằng lái xe FC.
Làm thế nào để lấy được bằng FC lái xe container?
Có được học và thi trực tiếp bằng FC không?
Chương II Thông tư 12/2017/TT-BGTVT chỉ quy định về chương trình đào lái xe trwucj tiếp các hạng B1, B2, C, còn với các hạng bằng lái xe ô tô còn lại chỉ có chương trình đào tạo nâng hạng bằng B1, B2, C.
Do đó, nếu chưa từng có bằng lái xe ô tô mà người dân có nhu cầu thi bằng lái xe FC không thể học và thi trực tiếp thì sẽ không thể học và thi bằng lái xe FC.
Thay vào đó, các học viên của trung tâm đào tạo lái xe phải thi bằng lái xe hạng C hoặc hạng D hoặc hạng E trước, sau đó mới có thể thi bằng lái xe hạng FC (theo điểm i khoản 1 Điều 14 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT).
Hồ sơ học và thi lấy bằng FC
Khi tham gia thi cấp bằng FC, người lái cần mang theo những giấy tờ được quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT như sau:
- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản sao giấy CMND/ CCCD/ hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam;
- Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định;
- Bản khai kinh nghiệm và số km lái xe an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này và phải chịu trách nhiệm về nội dung được kê khai trước Pháp luật;
- Bản sao bằng tốt nghiệp THCS hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch).
Thời gian học bằng FC mất bao lâu?
Căn cứ Điều 14 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, thời gian học nâng bằng lái xe từ hạng C, D, E lên FC cần 272 giờ học trong đó có 48 giờ lý thuyết và 224 giờ học thực hành.
Kết thúc khóa học tại trung tâm đào tạo lái xe, học viên học nâng hạng bằng FC sẽ được kiểm tra và cấ chứng chỉ đào tạo với môn Pháp luật giao thông đường bộ theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết và môn Thực hành lái xe trong hình và trên đường.
Thi lấy bằng FC lái xe container sẽ thi những nội dung gì?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, sửa bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, việc thi sát hạch bằng lái xe hạng FC được tiến hành với các nội dung sau:
- Thi sát hạch lý thuyết: Gồm các câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe, ngoài ra còn có nội dung liên quan đến cấu tạo và sửa chữa thông thường, nghiệp vụ vận tải, đạo đức người lái xe.
- Thi sát hạch thực hành lái xe trong hình: Người thi điều khiển xe qua 02 bài sát hạch là tiến qua hình có 05 cọc chuẩn và vòng trở lại; ghép xe dọc vào nơi đỗ.
- Thi sát hạch thực hành lái xe trên đường: Người thi điều khiển xe ô tô sát hạch, xử lý các tình huống trên đường và thực hiện hiệu lệnh của sát hạch viên.
- Thi sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông: Người thi xử lý các tình huống mô phỏng xuất hiện trên máy tính.
- Những thí sinh đạt tất cả các nội dung sát hạch gồm: Sát hạch lý thuyết, sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, thực hành lái xe trong hình và trên đường thì được công nhận trúng tuyển và cấp bằng lái xe FC.
Ngoài xe container, bằng FC lái được những loại xe gì?
Theo điểm g khoản 4 Điều 59 Luật Giao thông vận tải năm 2008, bằng lái xe FC được cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.
Cùng với đó, điểm b khoản 12 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT cũng quy định:
Hạng FC cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2;
Theo quy định này, người sở hữu bằng lái FC sẽ được phép lái các loại phương tiện sau đây:
STT | Các phương tiện mà bằng lái xe FC được phép lái |
1 | Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe |
2 | Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg |
3 | Ô tô dùng cho người khuyết tật |
4 | Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe |
5 | Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg |
6 | Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg |
7 | Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg |
8 | Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên |
9 | Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên |
10 | Các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc |
Câu hỏi thường gặp về bằng lái xe tải
Bao nhiêu tuổi mới được lái xe container?
Để được lái xe container thì cá nhân phải đủ 24 tuổi trở lên đồng thời phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe, có trình độ văn hóa theo quy định. Học lái xe container không đơn thuần là được phép học và thi trực tiếp như các loại bằng lái xe thông thường mà nó phải được nâng hạng dựa trên số km lái xe an toàn và số năm kinh nghiệm của người cầm lái.
Những ai được miễn sát hạch lý thuyết khi dự thi lấy bằng FC?
Các tài xế đã có bằng lái xe hạng C, D, E và có đủ thâm niên cũng như số kilômét lái xe an toàn theo quy định (3 năm và 50.000km lái xe an toàn), có thời gian liên tục điều khiển ô tô đầu kéo đủ 2 năm trở lên, được miễn tham gia khóa học lý thuyết tại các cơ sở đào tạo lái xe, miễn sát hạch lý thuyết và sát hạch thực hành lái xe trên đường. Thế nhưng, đối tượng này phải dự sát hạch thực hành lái xe trong hình theo nội dung quy trình sát hạch lấy bằng lái xe FC.
Bằng E có lái được xe container không?
Để lái được xe container không phải là điều đơn giản bởi loại xe này có kích thước không hề nhỏ, hành trình di chuyển phức tạp cũng như trọng lượng rất lớn. Để có thể điều khiển được loại xe này thì người tài xế cần phải có kỹ năng cũng như bằng lái được cấp phép.
Vậy bằng E có lái được xe container không là điều mà nhiều người băn khoăn. Đối với quy định thì bằng E là loại bằng dành cho người điều khiển loại xe ô tô có 30 chỗ ngồi trở lên, máy kéo một rơ moóc hoặc các loại xe quy định cho bằng lái xe hạng B1, B2, C, D.
Như vậy những người có bằng lái xe hạng E sẽ không thể điều khiển loại phương tiện xe container mà sẽ phải nâng cấp bằng lái lên loại phù hợp mới có thể điều khiển được loại xe này.
Bài viết đã tổng hợp những thông tin về lái xe container cần bằng gì.Hi vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.